Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 08-11-2023

Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn đề xuất mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam được thực hiện dưới các hình thức khác nhau như hộ nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp…

Có khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp, các trang trại và 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Nhóm có quy mô sản xuất nhỏ dưới 0,2 ha chiếm khoảng 35%; nhóm có quy mô trên 2 ha chiếm khoảng 6%. Với nguyên tắc “bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển; thực hiện chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất” khi triển khai Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp đã gây nên tình trạng manh mún ruộng đất; quy mô diện tích đất theo hộ thấp. Điều này dẫn đến tình trạng là hiệu quả sản xuất không cao, hạn chế khả năng đổi mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các quy trình kỹ thuật đồng nhất. Tăng quy mô diện tích đất đai là phương thức làm giảm chi phí, tăng sản lượng, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh... giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Vấn đề phát triển các vùng kinh tế trọng điểm đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Tính đến nay, trên cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là vùng KTTĐ Bắc bộ, KTTĐ miền Trung, KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng số 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các vùng kinh tế trọng điểm được xác định là các vùng động lực làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình tập trung đất đai tại các vùng KTTĐ thực sự chưa đạt được kết quả như mong muốn, đã có nhiều mô hình không thành công do thiếu chính sách quy định, hoặc khi triển khai vào thực tế có nhiều vướng mắc nầy sinh. Để xây dựng được một mô hình tập trung đất đai phù hợp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật cho người dân để cùng tham gia.

Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Thái Thị Quỳnh Như  và nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, đã thực hiện đề tài thực hiện Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn đề xuất mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam” với mục tiêu: Hoàn thiện mô hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tạo cơ chế sử dụng đất ổn định, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển bền vững.

Đề tài nghiên cứu đã tổng hợp, phân tích, đánh giá làm rõ cơ sở lý luận về tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài, nêu được các khái niệm có liên quan đến nội dung nghiên cứu về tập trung đất đai, vùng kinh tế trọng điểm, cánh đồng mẫu lớn, nêu được khái quát về nông nghiệp công nghệ cao, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0; Nghiên cứu tình hình tập trung đất nông nghiệp tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn và UDCNC trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn tại một số nước như Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Israel trên cơ só đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ tình hình tập trung đất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao tại một số nước. Hệ thống chính sách pháp luật về đất đai cũng như chính sách pháp luật khác có liên qua đã được tổng hợp theo 3 giai đoạn (trước năm 1986; từ năm 1986 đến năm 2013 và giai đoạn từ 2013 đến nay). Đã tổng hợp, phân tích kết quả chính của các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài về tập trung đất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghệp. Từ đó tổng kết những nội dung đã được cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời đề xuất những điểm chưa hoàn thiện, chưa rõ để có thể đưa vào các nội dung nghiên cứu của đề tài.

Đã khái quát được tình hình tập trung đất đai và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đồng thời để cung cấp một cách đầy đủ số liệu 23 thực tế tại địa bàn nghiên cứu, đề tài đã tiến hành điều tra về tình hình tập trung đất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao 16 tỉnh thuộc 4 Vùng Kinh tế trọng điểm (vùng KTTĐ Bắc bộ, vùng KTTĐ miền Trung, vùng KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ ĐBSCL) và 4 tỉnh đặc thù (Sơn La, Nghệ An, Đắc Nông, Lâm Đồng), 4 tỉnh này trong thực tế đang triển khai nhiều mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và 4 tỉnh đặc thù với tổng số phiếu là 1400 phiếu điều tra (50 phiếu/tỉnh với đối tượng là cá nhân, hộ gia đình; 15 phiếu/tỉnh với đối tượng là các cán bộ chuyên môn và 5 phiếu/tỉnh với đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức) theo 7 mô hình tập trung đất nông nghiệp. Kết quả cho thấy, mỗi vùng KTTĐ do đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau mà sự phân bổ các mô hình cũng không giống nhau: hình thức hợp tác sản xuất tập trung chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; việc dồn điền đổi thửa diễn ra phổ biến ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La) và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi); hình thức hợp tác sản xuất tập trung chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình thuê đất nông nghiệp và mô hình hợp tác sản xuất là các mô hình tập trung đất nông nghiệp phổ biến nhất tại các địa bàn điều tra. Mô hình góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đều không thu được hiệu quả như mong muốn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18838/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 602
Tổng lượt truy cập: 3.262.842
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.