Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 05-02-2024

Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm trong mô hình liên kết sản xuất theo chuổi giá trị

Nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất giống nấm dạng dịch thể, nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm chuyển đổi ngành nghề, tận dụng phế thải nông nghiệp tạo sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng núi, vùng ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển, góp phần ổn định cuộc sống, hướng tới phát triển bên vững, ThS. Lê Mậu Bình cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm trong mô hình liên kết sản xuất theo chuổi giá trị vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển và miền núi tỉnh Quảng Trị”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Dự án đã được triển khai đúng nội dung và đã đạt được các mục tiêu đề ra:

- Về công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật và tập huấn: đã tổ chức đào tạo được 02 kỹ thuật viên sản xuất giống nấm dạng dịch thể, 07 cán bộ kỹ thuật nuôi trồng và sơ chế nấm, 250 lượt người tại các mô hình nuôi trồng nấm tại 05 huyện được tập huấn. Dự án đã tiếp nhận được 15 quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện tại Quảng Trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công nghệ được chuyển giao phù hợp với xu thế phát triển, cũng như định hướng phát triển trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Mô hình kinh tế dễ thực hiện và có tính lan tỏa cao.

- Mức độ thực hiện nội dung và quy mô so với hợp đồng: Các nội dung, nhiệm vụ đã được thực hiện đúng yêu cầu quy mô của hợp đồng. Các mô hình đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, các sản phẩm của dự án đều đạt vượt so với yêu cầu của hợp đồng, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng.

- Dự án cũng đã làm tốt công tác thị trường cho sản phẩm, Trạm đã thu mua toàn bộ sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu cho bà con trên toàn tỉnh Quảng Trị

- Khả năng duy trì và nhân rộng dự án: Dự án đã thúc đẩy phát triển nghề nấm tại Quảng Trị ngày càng bền vững. 75 mô hình tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa, phát triển nuôi trồng nấm với diện tích lán trại 100 m2 là điểm để người dân xung quanh tham quan, học hỏi. Nuôi trồng nấm đã trở thành phong trào, nhiều hộ dân đã đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Các cấp, các nghành quan tâm và có nhiều các chương trình hỗ trợ phát triển nghề nấm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm ngày một thuận lợi. Với những điều kiện thuận lợi trên, trong những năm tới sau khi dự án kết thúc, nghề nấm tại Quảng Trị sẽ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển.

Dự án được thực hiện thành công đã làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất nấm nói riêng và các nghành nghề nói chung ở khu vực nông thôn. Thông qua dự án người dân có thêm công ăn việc làm tại chổ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, ổn định kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh.

Mô hình được xây dựng thành công tại Trạm nấm là địa chỉ tin cậy để người dân đến tham quan học tập. Thông qua đó sẽ tạo lòng tin cho người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng nấm nhằm phát triển nghề trồng nấm trở thành một trong những nghề mang tính chủ lực của tỉnh nhà. Góp phần xây dựng nông thôn mới. Các bịch nấm sau khi thu hoạch có thể tận dụng để xử lý làm phân bón hữu cơ cung cấp cho trồng trọt sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững tại tỉnh nhà, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

 Nghề nấm là nghề mới thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học có công nghệ cao, vì vậy cần có sự tăng cường kinh phí từ nguồn ngân sách cho các hoạt động khuyến nông để huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ đạo sản xuất và hộ nông dân nắm được yêu cầu kỹ thuật trong nuôi trồng và chế biến nấm. Tuyên truyền sâu rộng lợi ích của nghề trồng nấm, về giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị dược liệu của các loại nấm. Khuyến khích việc mở rộng quy mô sản xuất nấm hàng hoá kiểu trang trại cho những người trồng nấm chuyên nghiệp. Coi việc sản xuất nấm là một nghề trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất.

Mô hình là tiền đề để địa phương nhân rộng ra các vùng phụ cận, hình thành chuổi giá trị sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tận dụng lợi thế đất đai để phát triển kinh tế, đảm bảo người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19474/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 124
Tổng lượt truy cập: 3.262.364
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.