Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 19-02-2024

Sản xuất thử nghiệm các dòng Sơn tra đã được tuyển chọn tại vùng Tây Bắc

Sơn tra (Docynia indica) hay còn gọi là cây Táo mèo, là loài cây trồng lâm sản ngoài gỗ và cũng là cây trồng lâm nghiệp chính của vùng Tây Bắc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Đây là loài cây ưa sáng, phân bố nơi vùng núi cao >1.000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 15-18oC, lượng mưa từ 1.500mm-3.800mm. Cây phân bố tự nhiên vùng núi cao tại một số tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang. Loài cây này đã được các tỉnh Tây Bắc đưa vào trồng rừng phòng hộ đa mục đích với mục tiêu lấy quả, tổng diện tích trồng đến năm 2020 là 15.342,36 ha.

Tuy nhiên, việc gây trồng cây Sơn tra cho mục tiêu lấy quả hiện còn một số tồn tại: Cây giống cho trồng rừng mới chỉ được gieo ươm từ hạt, nguồn hạt giống chưa được tuyển chọn và công nhận, nên năng suất và chất lượng quả không cao, quả không đồng đều, không đáp ứng được yêu cầu mẫu mã và chất lượng quả của thị trường tiêu thụ, nên giá bán quả thấp. Hiện nay, tại vùng Tây Bắc có 140 cây trội, đã được Sở NN&PTNT các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Yên Bái công nhận giống cây trồng lâm nghiệp và một số cây trội được tuyển chọn bởi dự án Nông lâm kết hợp cho sinh kế các nông hộ nhỏ tại vùng Tây Bắc đây là nguồn giống tốt đã được tuyển chọn cần đưa vào khai thác sản xuất giống và trồng đại trà góp phần nâng cao năng suất và chất lượng quả Sơn tra tại vùng Tây Bắc; Kỹ thuật nhân giống cây ghép chưa hoàn thiện, mới chỉ có các nghiên cứu nhỏ lẻ về nhân giống bằng hạt, giâm hom và ghép và hướng dẫn kỹ thuật ghép Sơn tra. Mặc dù đã có công trình nghiên cứu về các phương pháp ghép và loại cành ghép ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây Sơn tra trong giai đoạn vườn ươm nhưng các nghiên cứu này chưa nghiên cứu ảnh hưởng của thời điểm ghép, kiểu ghép, chiều dài hom ghép đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây ghép, nên chưa khuyến cáo được thời điểm ghép, kiểu ghép và độ dài hom ghép nào là phù hợp nhất trong năm đối với sản xuất cây Sơn tra ghép tại vùng Tây Bắc. Do vậy, để hoàn thiện công nghệ nhân giống cây ghép cho loài cây này dự án sản xuất thử nghiệm cần triển khai các thí nghiệm đánh giá sự ảnh hưởng của thời điểm ghép và phương pháp ghép, chiều dài hom ghép đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây ghép Sơn tra, từ đó hoàn thiện kỹ thuật nhân giống cây Sơn tra bằng phương pháp ghép tại vùng Tây Bắc; Về kỹ thuật trồng thâm canh cây Sơn tra ghép chưa được nghiên cứu hoàn thiện, bởi cây Sơn tra được cho là cây trồng rừng đa mục đích vừa có tác dụng phòng hộ vừa cho quả, nên nó chỉ được áp dụng kỹ thuật trồng như những cây trồng rừng thông thường khác với mật độ trồng 1.660 cây/ha tại các tỉnh Tây Bắc mà chưa có quy trình công nghệ trồng thâm canh cây ghép cho loài cây này với mục tiêu lấy quả. Do vậy, dự án sản xuất thử nghiệm cần bố trí các thí nghiệm trồng thâm canh để hoàn thiện kỹ thuật trồng thâm canh cây ghép để nâng cao năng suất và chất lượng quả cây Sơn tra.

Xuất phát từ những tồn tại trên, TS. Hà Văn Tiệp và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện: “Sản xuất thử nghiệm các d ng Sơn tra (Docynia indica) đã được tuyển chọn tại vùng Tây Bắc” để hoàn thiện kỹ thuật nhân giống cây ghép và kỹ thuật trồng thâm canh cây Sơn tra ghép với nguồn giống đã được tuyển chọn và công nhận tại vùng Tây Bắc, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng quả Sơn tra, giúp người nông dân vùng cao trồng Sơn tra tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, tăng độ che phủ của rừng.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

- Dự án đã xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật về cây Sơn tra ghép đó là quy trình kỹ thuật nhân giống cây Sơn tra ghép và quy trình kỹ thuật trồng thâm canh cây Sơn tra ghép, cả 2 quy trình kỹ thuật này đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Các tiến bộ kỹ thuật này đã được chuyển giao vào sản xuất, mở ra một hướng mới về chuyển đổi trồng cây Sơn tra truyền thống bằng cây con gieo ươm từ hạt sang trồng thâm canh cây Sơn tra ghép với nguồn giống đã được tuyển chọn và công nhận giống qua đó nâng cao năng suất và chất lượng quả Sơn tra, giúp tăng thu nhập cho người nông dân trồng Sơn tra tại các tỉnh vùng Tây Bắc.

- Dự án đã xây dựng được 35 ha mô hình trồng thâm canh cây Sơn tra ghép, sau 3 năm trồng cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt cao > 95%, cây trong mô hình sinh trưởng tốt, cây được chăm sóc hàng năm, được tỉa cành tạo tán và đã cho quả, năng suất quả đạt 4,5 tấn quả/ha, quả sạch sâu bệnh, đường kính quả đạt 2,5-3,0cm, vượt năng suất 15% so với sản xuất đại trà, đây là mô hình điểm để cán bộ địa phương và người nông dân đến thăm quan học tập mở rộng trồng thâm canh cây Sơn tra ghép ra các vùng khác có điều kiện sinh thái tương tự.

- Dự án đã sản xuất được 60.000 cây giống Sơn tra ghép đủ tiêu chuẩn đem trồng, cây ghép được sử dụng trong trồng 35 ha mô hình trồng thâm canh cây Sơn tra ghép và phân phát cho hộ nông dân tham gia đối ứng công lao động và phân chuồng để sản xuất cây ghép. Cây ghép đã được các hộ nông dân trồng góp phần tăng diện tích trồng và tăng thu nhập cho các hộ gia đình trồng Sơn tra ghép tại vùng Tây Bắc, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ vùng cao tham gia dự án.

- Dự án đã tập huấn kỹ thuật ghép và trồng thâm canh cây Sơn tra ghép cho 210 người nông dân tại vùng triển khai dự án. Các hộ nông dân sau khi tham gia lớp tập huấn đã làm chủ được các kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất tại gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

- Kết quả dự án đã được đăng trên tạp chí uy tín trên thế giới (Forests, Trees and Livelihoods), qua đó giúp quảng bá kết quả nghiên cứu của dự án ra với thế giới, giúp nâng cao vị thế và uy tín của cơ quan triển khai dự án.

Nhóm thực hiện dự án mong muốn tiếp tục được hỗ trợ triển khai xây dựng dự án khuyến lâm về cây Sơn tra ghép để đẩy nhanh kết quả nghiên cứu từ dự án sản xuất thử nghiệm vào sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống người nông dân trồng Sơn tra tại vùng Tây Bắc, đồng thời góp phần nâng cao độ che phủ rừng phòng hộ của vùng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19512/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1699
Tổng lượt truy cập: 3.262.223
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.