Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 21-02-2024

Xây dựng bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D để phát triển ngành tại Việt Nam

Ngành nhựa ở Việt Nam là ngành công nghiệp hỗ trợ còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, dệt may, hóa chất, điện tử… Tuy là ngành công nghiệp mới mẻ nhưng những năm gần đây ngành nhựa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao 18 - 20%/năm (chỉ thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của ngành điện tử và dệt may), đặc biệt có những mặt hàng tốc độ tăng trưởng gần 100%. Điều này xuất phát từ thị trường tiêu thụ rộng lớn, các sản phẩm nhựa được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực như: thực phẩm, xây dựng, viễn thông…

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), cấu trúc ngành nhựa được chia thành bốn mảng chính: nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật. Trong đó, nhựa bao bì vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (37,43%), nhựa gia dụng chiếm 29,26%. Ngành nhựa xây dựng chiếm 18,25%, thấp nhất là nhựa kỹ thuật chiếm tỷ lệ 15,06%. Theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa đến năm 2020, ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu nhóm sản phẩm nhựa theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.

Sản phẩm của ngành nhựa kỹ thuật khá đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau như chế tạo máy móc, ôtô, xe máy, linh kiện điện - điện tử, trang thiết bị y tế, giao thông vận tải… Nhựa kỹ thuật là sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp phụ trợ góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo máy móc, thiết bị của nước ta và xuất khẩu sang các nước khác.

Tuy là một trong những ngành có tốc độ phát triển khá nhanh, có kim ngạch xuất khẩu lớn và là một ngành công nghiệp hỗ trợ quan trọng của nền công nghiệp Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào giúp các doanh nghiệp ngành nhựa phát triển. Việc thiếu hụt các chính sách phát triển dành riêng cho ngành nhựa đang khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn khi mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng; làm suy giảm sức cạnh trạnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực, thế giới.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Huỳnh Kim Tước cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện nghiên cứu Xây dựng bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D để phát triển ngành tại Việt Nam với mục tiêu: Xây dựng Bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật trên cơ sở tổng hợp các công nghệ hiện có, xác định mối liên hệ giữa sản phẩm và công nghệ, đánh giá khoảng cách công nghệ của Việt Nam so với thế giới, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ công nghệ; Xác định công nghệ ưu tiên để phát triển sản phẩm và lộ trình đổi mới công nghệ cho ngành nhựa kỹ thuật của Việt Nam; Đề xuất giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ in 3D trong ngành nhựa kỹ thuật.

Khái niệm trình độ công nghệ được ra đời trên cơ sở phương pháp luận Atlas công nghệ. Đây là dự án do Trung tâm Chuyển giao Công nghệ châu Á - Thái Bình Dương (APCTT), thuộc ESCAP nghiên cứu và đã ban hành bộ tài liệu “Nguyên lý phát triển dựa trên cơ sở công nghệ” áp dụng cho các quốc gia trong khu vực từ năm 1986-1988. Mục tiêu chính của “Technology Atlas Project” là đưa ra một công cụ hỗ trợ ở dạng một bộ tài liệu phương pháp luận để hợp nhất các công việc, xem xét vấn đề công nghệ trong quá trình lập kế hoạch phát triển. Dự án trình bày các biện pháp và cung cấp phương tiện nhằm giới thiệu một cách rộng rãi các cách tiếp cận phân tích để đề ra và hoàn thiện các chính sách, kế hoạch phát triển công nghệ ở mỗi đơn vị kinh tế, ngành; mỗi quốc gia. Phương pháp luận Atlas công nghệ khi đánh giá coi công nghệ là tổ hợp của bốn thành phần chính có tác động qua lại với nhau và cùng thực hiện một sự chuyển đổi trong quá trình sản xuất vật chất.

Bản đồ công nghệ được xây dựng nhằm cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết về hiện trạng công nghệ của Việt Nam, khoảng cách của mỗi công nghệ so với thế giới, các phân tích, đánh giá về thực trạng và xu hướng phát triển của công nghệ, thị trường khu vực và thế giới. Bản đồ cung cấp các thông tin về hiện trạng phân bố của các cơ sở sản xuất trên địa bàn cả nước; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương; xu hướng phát triển của công nghệ và thị trường. Sản phẩm của bản đồ công nghệ cần bao gồm các thông tin đủ để thể hiện được 3 nội dung cơ bản bao gồm hiện trạng công nghệ, mối liên hệ giữa công nghệ với sản phẩm, xu hướng phát triển công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới bằng cách hình thức khác nhau như báo cáo tổng hợp, biểu đồ, sơ đồ khối, thể hiện trên bản đồ hành chính v.v...

Sau quá trình làm việc nghiêm túc với sự tập trung và nỗ lực của nhóm thực hiện, cùng với sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, và doanh nghiệp đặc biệt là sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, đề tài đã đạt được những thành quả bước đầu quan trọng, đáp ứng phần nào kỳ vọng của lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng như lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ Xây dựng bản đồ công nghệ ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D.

Bản đồ công nghệ đã cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết về hiện trạng công nghệ trong ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D của Việt Nam, khoảng cách của mỗi công nghệ so với thế giới. Cùng với đó là các phân tích về thực trạng và xu hướng phát triển của công nghệ, thị trường khu vực và thế giới. Đây là các thông tin quan trọng cho các cơ quan, tổ chức quản lý, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, các hiệp hội, cũng như các doanh nghiệp trong ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in3D.

Đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, bản đồ cung cấp các thông tin về hiện trạng phân bố của các cơ sở sản xuất trên địa bàn cả nước; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương; xu hướng phát triển của công nghệ và thị trường. Đây là cơ sở tham khảo quan trọng để định hướng phát triển cho từng địa phương, khu vực, và quốc gia, xác định các công nghệ cần giải mã làm chủ nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

Đối với các đơn vị nghiên cứu, trên cơ sở các thông tin về thực trạng và khoảng cách công nghệ của các doanh nghiệp trong nước so với thế giới. Các đơn vị có thêm cơ sở để xác định các hướng nghiên cứu trong ngắn hạn và dài hạn, nâng cao hiệu quả ứng dụng của kết quả nghiên cứu trong thực tế sản xuất, hỗ trợ tốt hơn sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.

Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D và các ngành có liên quan. Các thông tin từ bản đồ công nghệ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường trong nước cũng như khu vực và thế giới, cũng như các thông tin từ các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc. Đây là các nguồn thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp định hướng phát triển tốt hơn thông qua xác định các thị trường mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn, xây dựng lộ trình phát triển công nghệ và chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Trên cơ sở bản đồ công nghệ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được lộ trình công nghệ cho ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D, cũng như lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ cho một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D. Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng bản đồ công nghệ trong phát triển ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D, nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các quý cơ quan, tổ chức, chuyên gia, và doanh nghiệp. Đặc biệt, Với các doanh ngiệp có nhu cầu xây dựng bản đồ công nghệ lộ, trình công nghệ và đổi mới công nghệ, nhóm nghiên cứu sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ một cách tốt nhất trên cơ sở các nguồn lực đã và đang tham gia xây dựng Bản đồ công nghệ ngành sản xuất nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19432/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 15
Hôm nay: 1619
Tổng lượt truy cập: 3.262.143
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.