Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 18-03-2024

Nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, bão và lũ lụt là những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại nhiều nhất đối với vùng hạ du các lưu vực sông ở Việt Nam, đặc biệt khi xảy ra các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập. Trong thời gian qua, trên phạm vi cả nước liên tiếp xảy ra những đợt lũ, lụt đặc biệt lớn, trên phạm vi rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Lũ, lụt đã phá hủy nhiều công trình cơ sở hạ tầng, bao gồm: cầu, cống, đường giao thông, nhà cửa, khu công nghiệp, công trình phòng chống thiên tai, thủy lợi và tài sản của nhân dân trên toàn quốc. Số liệu thống kê trong 20 năm qua cho thấy, trung bình mỗi năm thiên tai gây thiệt hại 1,3 tỷ USD (tương đương 1,5% GDP) và khoảng 300 người chết, mất tích.

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 7.000 công trình hồ, đập đã được xây dựng trên các lưu vực sông. Hồ chứa mang lại nhiều lợi ích như điều tiết dòng chảy giữa các mùa trong năm, nâng cao lượng nước ngầm cho thượng hạ du, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch, giao thông, thuỷ sản, cải tạo môi trường. Tuy nhiên, hồ chứa cũng có nhiều mặt không tốt như gây biến hình lòng dẫn hạ du, bồi lắng lòng hồ, gây suy thoái môi trường nước, gây lũ nhân tạo, đặc biệt là những ẩn họa lớn mà hồ chứa có thể gây ra khi quản lý, khai thác, vận hành không an toàn như xả lũ khẩn cấp hay vỡ đập. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Trần Quốc tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó trường hợp xả lũ khẩn cấp, lũ cực lớn, lũ do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

* Trên cơ sở hiện trạng hệ thống công trình phòng, chống lũ và số liệu thu thập, khảo sát bổ sung của lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình. Đề tài đã tổng hợp, phân tích hiện trạng lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình.

* Trên cơ sở các tài liệu thu thập về công tác phòng, chống thiên tai các địa phương trên lưu vực. Đề tài tiến hành đánh giá hiện trạng nhưng phương án, kế hoạch ứng phó với lũ được địa phương xây dựng, phân tích những ưu điểm, những hạn chế còn tồn tại và từ đó đề xuất xây dựng phương án, kết hoạch ứng phó phù hợp với qui định hiện hành theo cấp độ rủi ro thiên tai, cụ thể như sau:

- Xác định các cấp độ rủi ro thiên tai dựa trên hướng dẫn của quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Xác định phân bố dân cư dựa trên cơ sở phân tích ảnh Landsat 8 đến 2019.

- Xác lập tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ cần sơ tán trên kết quả tính toán tích chỉ số mực nước và vận tốc là, khi chỉ số này lớn hơn 0,5m²/s, công tác sơ tán được tiến hành triển khai.

- Phương án, kế hoạch ứng phó với các tình huống xả lũ và vỡ đập trong phạm vi đề tài tập trung vào phương án sơ tán dân. Đề tài đã xác định phạm vi sơ tán dân dựa trên mức độ nguy hiểm của dòng chảy lũ tác động đến dân cư nhằm tập trung ưu tiên đến các đối tượng có nguy cơ cao phục vụ công tác sơ tán.

- Đề tài đề xuất phương pháp chung trong việc xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó trong tình huống vỡ đập và đã xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó chi tiết cho thủ đô Hà Nội trong tình huống xảy ra vỡ đập hồ chứa thượng nguồn.

- Phương án sơ tán đã chỉ ra được các thông tin về thời gian ngập lũ, khả năng tiếp nhận tại các điểm sơ tán theo các cấp độ rủi ro và theo kịch bản. Kế hoạch sơ tán đã đưa ra được các kế hoạch chi tiết trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó; huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần phục vụ sơ tán theo kịch bản.

* Đề tài đã phân tích năng lực ứng phó với tình huống xả lũ cực lớn, xả lũ khẩn cấp, vỡ đập hồ chứa thượng nguồn sông Hồng của các địa phương

* Đề tài đã tổng hợp và phân tích các các giải pháp được nghiên cứu, đề xuất của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường đại học Thủy lợi, Viện Qui hoạch Thủy lợi từ trước đến nay và các giải pháp đã được triển khai trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình. Phân tích những hạn chế còn tồn tại trong phòng chống, ứng phó với lũ lớn trên lưu vực, xem xét khả năng đáp ứng về nguồn lực để ứng phó hiệu quả với các tình huống xả lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra trên đồng bằng Bắc bộ. 13 giải pháp được đề xuất áp dụng để giảm nhẹ thiệt hại do xả lũ lớn, xả lũ khẩn cấp và vỡ đập trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình. Điển hình là các giải pháp sau:

- Giải pháp hỗ trợ vận hành xả lũ trong tình huống khẩn cấp.

- Giải pháp hỗ trợ ra quyết định phân lũ chủ động.

- Giải pháp cảnh báo lũ, ngập lụt trực tuyến.

- Giải pháp phòng chống lũ cho các khu vực trọng điểm, khu vực đô thị.

- Giải pháp truyền tin, cảnh báo đến cộng đồng.

- Giải pháp ứng phó với sự cố đê điều tại trọng điểm.

Các kết quả nghiên cứu được thực hiện, các giải pháp được đề xuất là những nội dung khoa học quan trọng, có ý nghĩa về học thuật và thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với lũ trong tương lai.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19628/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 203
Tổng lượt truy cập: 2.909.330
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.