Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 03-05-2024

Nghiên cứu chiết xuất và bào chế cao định chuẩn từ cây Diếp cá (Houttuynia cordata Thunb)

Trong những năm gần đây, bệnh ung thư ngày càng gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018, có khoảng 18 triệu người mắc bệnh ung thư và khoảng 9,5 triệu ca tử vong. Đồng thời, ung thư là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau các bệnh tim mạch. Năm 2018, Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư. Tuy là nước thuộc nhóm thứ 2 trong bản đồ ung thư thế giới năm 2017 với tỷ lệ mắc bệnh không cao (0,5 - 1,0%) nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn. Do đó, thuốc điều trị ung thư không ngừng được nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu do người bệnh có xu hướng sử dụng các thuốc có nguồn gốc tự nhiên để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc tân dược.

Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm tương đối trung bình năm khoảng 84 - 86%, diện tích đồng bằng các châu thổ phù sa chiếm ¼ diện tích tự nhiên toàn quốc. Vì vậy, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của dược liệu. Việc nghiên cứu bào chế thuốc có nguồn gốc tự nhiên là một nhu cầu cần thiết và có tiềm năng. Sự phân bố rộng khắp của dược liệu Diếp cá (Houttuynia cordata Thunb) là nguồn nguyên liệu dồi dào, đem lại tiềm năng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Diếp cá có tính mát, vị chua cay, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn, kháng viêm, chữa bệnh trĩ, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ điều trị ung thư. Ngoài là nguồn thực phẩm sử dụng hàng ngày, các sản phẩm có thành phần chiết xuất từ Diếp cá như cao, trà, viên nang, viên nén đã lưu hành phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm, xác định hàm lượng hoạt chất chưa thật sự chặt chẽ cũng như đánh giá tác dụng sinh học của Diếp cá ở nước ta chưa có nhiều nghiên cứu công bố. Vì lẽ đó, sử dụng cao dược liệu Diếp cá được chuẩn hóa để bào chế với mục đích nhằm kiểm soát nguồn dược liệu đầu vào giúp việc sản xuất thuốc ổn định là một nhu cầu cần thiết.

Xuất phát từ các nhu cầu trên, nhóm nghiên cứu tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc thành phố Hồ Chí Minh do PGS. TS. Trần Việt Hùng đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chiết xuất và bào chế cao định chuẩn từ cây Diếp cá (Houttuynia cordata Thunb)” nhằm lấy mẫu và giám định tên khoa của cây Diếp cá; nghiên cứu phương pháp chiết xuất, phân lập, xác định cấu trúc 2-3 chất đặc trưng của cây Diếp cá làm chất chuẩn đối chiếu trong kiểm nghiệm; xây dựng TCCS cho dược liệu Diếp cá, đề xuất nâng cao chương luận này trong DĐVN 4. Xây dựng được quy trình chiết xuất, bào chế cao định chuẩn; xây dựng TCCS và đánh giá độ ổn định của cao định chuẩn; đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của cao định chuẩn; và đánh giá tác dụng chống ung thư của cao định chuẩn và chất tinh khiết trên một số dòng tế bào.

Qua thời gian thực hiện, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra với các kết quả cụ thể như sau:

- Đã tiến hành thu mẫu tại 4 địa điểm đại diện cho cả nước: Sóc Sơn - Hà Nội, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Biên Hòa - Đồng Nai, Đức Hòa - Long An và giám định tên khoa học của loài sưu tầm là Diếp cá (Houtuynia cordata Thunb.), các mẫu được kiểm tra đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn DĐVN V và HKCMMS.

- Đã nghiên cứu phương pháp chiết xuất cao toàn phần Diếp cá bằng dung môi ethanol 70 % và tiến hành phân lập bằng phương pháp lắc dung môi phân đoạn với n-hexan, ethyl acetat, nước. Chọn phân đoạn ethyl acetat lên cột cổ điển với silica-gel (theo tỉ lệ 1:20) rửa giải bằng dung môi hexan- EA (9:1 - 3:7) thu được 8 phân đoạn I - VIII. Từ phân đoạn VIII, tiến hành loại diệp lục bằng than hoạt và tiến hành sắc ký điều chế pha đảo rửa giải bằng dung môi acetonitrile - nước thu được 4 chất, trong đó có 3 chất sạch được xác định cấu trúc là hyperosid, quercitrin, afzelin với khối lượng lần lượt 1043,9 mg; 2042,3 mg; 629,6 mg. Tiến hành đóng lọ chuẩn 20 mg/lọ cho hyperosid, quercitrin, đánh giá liên phòng trên 3 phòng thí nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh thu được 2 chất chuẩn quercitrin là 99,51 với độ không đảm bảo đo mở rộng là 0,022 và hyperosid là 99,62 với độ không đảm bảo đo mở rộng là 0,016 đạt tiêu chuẩn chất đối chiếu quốc gia đặc trưng của cây Diếp cá làm chất chuẩn đối chiếu trong kiểm nghiệm

- Xây dựng được TCCS cho dược liệu Diếp cá với các chỉ tiêu theo Dược điển Việt Nam V, bổ sung thêm chỉ tiêu định tính bằng sắc ký lớp mỏng với 2 chất đối chiếu là quercitrin và hyperosid; chỉ tiêu định lượng quercitrin và hyperosid trong dược liệu Diếp cá với đề xuất mức chất lượng không ít hơn 0,17% Quercitrin (C21H20O11) và 0,04% Hyperosid (C21H20O12) tính theo khô kiệt và đã thẩm định phương pháp đạt yêu cầu theo ICH. Vì vậy chỉ tiêu này đạt yêu cầu để đề xuất nâng cao chuyên luận này trong DĐVN.

- Xây dựng được quy trình chiết xuất, bào chế cao định chuẩn Diếp cá với dung môi chiết là ethanol 70% cô đặc dưới áp suất giảm đến tỉ trọng 1,16 và tiến hành phun sấy thành cao khô với tá dược Syloid: lactose (1:2), nhiệt độ phun sấy 55-65 oC, tốc độ bơm 35-45 vòng/phút, tốc độ quạt 500-1,400 vòng/phút, thời gian chờ phun 3-5 phút, thời gian phun 0,1-0,2 phút, ta thu được cao khô Diếp cá có hiệu suất thu hồi tối ưu (71,35%).

 - Xây dựng được TCCS với các chỉ tiêu mô tả, định tính, mất khối lượng làm khô, độ mịn, kim loại nặng, hàm lượng Quercitrin và Hyperosid và giới hạn nhiễm khuẩn. Trong đó hàm lượng Quercitrin và Hyperosid đề xuất lần lượt là 2,0 mg/g và 1,0 mg/g và đánh giá độ ổn định của cao định chuẩn. Kết quả cho thấy cao Diếp cá ổn định trong vòng 6 tháng trong điều kiện lão hóa cấp tốc nhiệt độ 40 oC ± 2 oC, độ ẩm 75% ± 5%.

- Đánh giá độc tính cấp trên chuột với liều 50g/kg thể trọng, độc tính bán trường diễn của cao định chuẩn trên thỏ với liều 0,3g/kg/ngày và liều 1,5 g/kg/ngày đều cho kết quả chưa phát hiện độc tính;

- Đánh giá tác dụng chống ung thư của cao định chuẩn Diếp cá và chất tinh khiết là quercitrin, hyperosid trên một số dòng tế bào HL60, K562 và thử khả năng kích thích miễn dịch (tăng cường miễn dịch) trên mô hình chuột nhắt gây suy giảm miễn dịch bằng cyclophosphamide. Khi cho chuột uống cao Diếp cá liều 240 mg/kg liên tục trong 5 ngày giúp làm tăng tổng số lượng bạch cầu, số lượng bạch cầu lympho có ý nghĩa thống kê so với lô chứng bệnh; liều 480 mg/kg thể hiện tác động tương tự đồng thời làm tăng số lượng bạch cầu mono, tỷ lệ bạch cầu trung tính. Kết quả thu được cho thấy quercitrin 10 và 20 mg/kg, hyperosid 5 và 10 mg/kg thể hiện tác động kích thích miễn dịch làm tăng số lượng bạch cầu, số lượng bạch cầu lympho và bạch cầu mono của chuột nhắt bị suy giảm miễn dịch so với lô DMSO 1%.

Với những kết quả thu được, đề tài kiến nghị cần tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho dược liệu Diếp cá, trong đó có quy định về giới hạn hàm lượng các hoạt chất, nấm mốc, dư lượng thuốc trừ sâu, góp phần chuẩn hóa dược liệu đầu vào. Tiếp tục thực hiện độ ổn định dài hạn trên cao khô Diếp cá và tiến hành trên các dòng tế bào ung thư máu khác và cao chiết khác như cao methanol, cao nước.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19814/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 3070
Tổng lượt truy cập: 2.908.597
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.