Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 02-07-2024

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử, yếu tố nguy cơ và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic tại Việt Nam

Bụi phổi silic là bệnh xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, bệnh gây ra bởi hít phải các tinh thể bụi silic tự do hoặc silic dioxite (SiO2) trong môi trường làm việc. . Bệnh vẫn tiếp tục tiến triển ngay cả khi người lao động không còn phơi nhiễm với bụi silic nữa.Phơi nhiễm với bụi silic có thể xảy ra ở nhiều ngành nghề khác nhau , như các ngành nghề mà người lao động phơi nhiễm với thạch anh, cát, granit (có chứa 60% silic), bụi đá, bụi xi măng. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh bụi phổi silic nhưng bệnh có thể dự phòng được. Vì vậy việc dự phòng và chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người lao động. Trên thế giới, một số nghiên cứu đang tập trung vào vai trò của các cytokin trong cơ chế bệnh sinh của bệnh bụi phổi silic và gợi ý rằng đây có thể là các marker tiềm năng trong chẩn đoán sớm và tiên lượng bệnh. Trong số các cytokine được tiết ra bởi các đại thực bào được kích hoạt để đáp ứng với Silica, yếu tố hoại tử khối u (TNF-α) đã được chứng minh là đóng vai trò chính trong bệnh bụi phổi Silic. Trong các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật, Silica làm tăng sự giải phóng TNF-α từ các đại thực bào phế nang và nó là một phân tử quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh quá trình xơ hóa trong bệnh bụi phổi Silic. Một số nghiên cứu trên thế giới nhận thấy nồng độ TNF-α trong máu và dịch rửa phế quản tăng cao ở những bệnh nhân bị bệnh bụi phổi Silic và những bệnh nhân có phơi nhiễm với Silica nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng. Trong khi đó, Barrett và cộng sự nhận thấy có sự giảm mức độ mRNA TNF-α gây ra do silica trên mô hình chuột.

Từ năm 1976, bệnh bụi phổi silic đã được công nhận là một BNN được bảo hiểm ở Việt Nam. Theo báo cáo của Cục quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế, bệnh bụi phổi silic vẫn đang là gánh nặng bệnh tật của Việt Nam, con số hiện mắc và tử vong do bệnh bụi phổi silic trên thực tế cao hơn so với con số báo cáo và được giám định hàng năm. Các nghiên cứu liên quan đến bệnh bụi phổi silic ở Việt Nam mới chủ yếu tập trung ở các nghiên cứu về dịch tễ học, đặc điểm lâm sàng và xác định các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp mà còn ít các nghiên cứu về yếu tố nguy cơ, nhất là các nghiên cứu về dịch tễ học phân tử ứng dụng kĩ thuật cao phát hiện các biến đổi kiểu gene của gen TNF-α ảnh hưởng tới bệnh bụi phổi silic. Các nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh bụi phổi silic sẽ giúp hình một chiến lược trong việc chẩn đoán sớm cũng như tư vấn cho các người lao động mang các biến thể gen TNF-α có thể tăng khả năng mắc bệnh bụi phổi silic lựa chọn được nghề nghiệp cũng như có các biện pháp bảo hộ lao động thích hợp. Chính vì vậy, GS.TS. Lê Thị Hương cùng các cộng sự tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử, yếu tố nguy cơ và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic tại Việt Nam” nhằm dụng kỹ thuật sinh học phân tử để xác định đặc điểm dịch tễ học phân tử và các yếu tố nguy cơ nội sinh của bệnh bụi phổi silic tại Việt Nam và ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic.

Sau một thời gian thực hiện, nhóm đề tài đưa ra các kết luận như sau:

1. Đặc điểm dịch tễ học phân tử và các yếu tố nguy cơ nội sinh của bệnh bụi phổi silic tại Việt Nam Tỷ lệ hiện mắc bệnh bụi phổi Silic tại Việt Nam là 12% (95%CI: 11,3 - 12,7). Tỷ lệ hiện mắc bệnh bệnh BPSi tại Việt Nam trong nhóm ngành luyện kim chiếm tỷ lệ cao nhất 14,9% (95%CI: 13,4 - 16,4), tiếp đến là ngành khai thác, chế biến quặng/đá là 14,4% (95%CI: 12,7 - 16,1), ngành sản xuất gốm, sứ thuỷ tinh là 13,3% (95%CI: 7,0 - 19,6), VLXD là 9,5% (95%CI: 8,5 - 10,5). 16,5% người mắc bệnh bụi phổi silic có tuổi nghề dưới 5 năm. Nồng độ TNF-α máu trung bình ở nhóm bệnh là 21,531pg/mL, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với ở nhóm không mắc bệnh: trung bình là 13,748 pg/mL (p= 0,0257). Kiểu gen AG (OR: 1,368; 95%CI: 0.539-3,469) và tỷ lệ alen A (OR: 1,342; 95%CI: 0,545-3,310) ở nhóm bệnh cao hơn so với nhóm không mắc bệnh. Tuy nhiên mối liên quan giữa đa hình đơn nucleotide TNF-α(-308)G→A với bệnh bụi phổi silic chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Chưa phát hiện được đột biến hay các biến thể trên gen IL-1RA và IL-17F trên các bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi silic trong nhóm nghiên cứu.

2. Một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic. Quy trình chụp phim xquang kỹ thuật số chẩn đoán bệnh bụi phổi silic theo tiêu chuẩn ILO cần được áp dụng rộng rãi, trong quá trình thực hiện cần tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu thiết bị và kỹ thuật để có được hình ảnh phim đảm bảo đủ chất lượng. Kết quả ứng dụng quy trình cho thấy thực trạng mắc bệnh bụi phổi silic trong cộng đồng chưa giảm. Hình thái mắc bệnh bụi phổi silic trên Xquang chiếm tỷ lệ cao nhất là nốt mờ tròn nhỏ nhỏ loại p (87,7%), mật độ của đám mờ hầu hết là loại 1 chiếm 83,9%. Phú Yên là tỉnh có tỷ lệ mật độ tổn thương loại nặng loại 3 cao nhất chiếm 10,5% các trường hợp người lao động mắc bụi phổi silic. Đánh giá tổng dung tích phổi (TLC) và khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch (DLCO) nên thực hiện để đánh giá toàn diện chức năng hô hấp của người lao động tiếp xúc bụi silic trong quá trình làm việc. Tỉ lệ suy giảm DLCO ở nhóm bị bệnh bụi phổi silic trong nghiên cứu này là 13,4%. Có sự tác động mạnh của bệnh bụi phổi silic đến khả năng khuếch tán khí qua 35 màng phế nang mao mạch. Tỷ lệ giảm khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch (DLCO) ở nhóm không mắc bụi phổi silic là 2,7%, nhóm không giảm FVC là 3,6%

Kết quả của nghiên cứu giúp Bộ y tế xem xét lại tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh bụi phổi silic (về thời gian tiếp xúc tối thiểu), xây dựng các hướng dẫn xét nghiệm TNF-α máu trong khám tuyển dụng hoặc bố trí việc làm cho người lao động làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh BPSi như luyện kim, khai thác quặng/đá) và đặc biệt là gợi ý những hướng nghiên cứu tiếp theo để tiếp tục phát hiện sớm bệnh bụi phổi silic, giúp cho người lao động khoẻ mạnh, tăng năng suất lao động và góp phần phát triển đất nước. Những người được phát hiện sớm bệnh bụi phổi silic từ nghiên cứu cũng là cơ sở để các địa phương tiếp tục có hướng xử trí tiếp theo phù hợp cho người lao động đảm bảo chế độ chính sách của nhà nước, đồng thời giảm thiểu kinh tế cho bản thân cá nhân, gia đình và cơ sở doanh nghiệp do phải chi phí điều trị, khám chữa bệnh cho người mắc bệnh bụi phổi silic giai đoạn nặng hơn.

Các kết quả nghiên cứu không những là những bằng chứng khoa học tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu mà còn tốt cho công tác dự phòng sớm tại cộng đồng, cung cấp các bằng chứng khoa học cho các nhà quản lý ra quyết định nhằm dự phòng và điều trị sớm bệnh bụi phổi silic cho người lao động tại Việt Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19860 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 434
Tổng lượt truy cập: 3.266.687
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.