Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 27-06-2024

Bảo vệ và phục hồi thành công Cầy vằn quý hiếm

Cầy Vằn (tên khoa học: Chrotogale owstoni) là loài thú ăn thịt nhỏ và có giá trị sinh thái cao, tuy nhiên lại cực quý hiếm ngoài tự nhiên. Việc bảo vệ và phục hồi cầy vằn đã trở thành một ưu tiên quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo báo cáo có tiêu đề “Chiến lược Bảo tồn Cầy vằn bắc 2019-2029” do năm tổ chức bảo tồn lớn biên soạn, loài vật này được xếp vào Danh mục Loài nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN vào năm 2016, và là một trong những loài thú ăn thịt có khu vực phân bố nhỏ nhất ở Châu Á. Phần lớn các cá thể cầy vằn bắc được phân bố ở Việt Nam, nhưng chúng cũng sinh sống ở một số địa phận Lào và miền nam Trung Quốc.

Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) vừa phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương cho sinh sản thành công 10 cá thể cầy vằn con. Đây là dự án nằm trong Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê (CPCP) và là thành công lớn nhất từ trước đến nay trong việc sinh sản bảo tồn loài cầy vằn, đồng thời là một tiền đề quan trọng, đem lại hy vọng tái phục hồi quần thể cầy vằn ngoài tự nhiên…

Để triển khai mục tiêu này, Vườn quốc gia Cúc Phương đã phối hợp cùng SVW khởi công xây dựng Khu sinh sản bảo tồn rộng 1,3 ha cho cầy vằn vào đầu năm 2023, nhằm sinh sản thành công và duy trì sự ổn định của ít nhất 50 cá thể cầy vằn và bắt đầu tái phục hồi quần thể để tái thả về tự nhiên. Đã đưa 4 cá thể cầy vằn cái và 8 cá thể đực vào khu sinh sản để tiến hành ghép đôi và đạt được kết quả ngoài mong đợi với 10 cá thể cầy vằn con được sinh sản thành công và khỏe mạnh.

Ông Lê Trọng Đạt-Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết: Tất cả cá thể cầy vằn, bao gồm cả các con non, đều được giám sát liên tục 24 giờ hằng ngày qua hệ thống Camera, hạn chế tối đa tác động của con người đến các cá thể vì đối với cầy vằn, nếu cá thể mẹ phát hiện tác động của con người lên con non, chúng có thể cắn các con của nó hoặc cõng các con của nó đi chỗ khác. Qua thành công này, việc tái thả các cá thể cầy vằn về tự nhiên trong khoảng 3 - 4 năm tới là điều rất khả quan. Bên cạnh việc tái phục hồi quần thể cầy vằn, việc tăng cường các biện pháp xử lý đối với các vụ việc săn bắt trái phép là vô cùng cấp thiết. Cầy vằn thường ăn giun đất, côn trùng và hoa quả chín rụng trên mặt đất, vì vậy chúng thường xuyên bị dính bẫy thú. Rất nhiều cá thể bị mắc bẫy và thối rữa trong rừng do thợ săn không kiểm tra bẫy thường xuyên.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 54
Hôm nay: 862
Tổng lượt truy cập: 3.267.115
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.