Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 15-01-2024

Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến khai thác và nuôi trồng hải sản, phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu (BĐKH), với các biểu hiện chính như gia tăng nhiệt độ, thay đổi chế độ mưa, gia tăng mực nước biển và các hiện tượng khí hậu cực đoan (bão, lũ...) trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù có sự khác nhau giữa các khu vực/vùng trên thế giới nhưng có thể kết luận một số biểu hiện chung là nhiệt độ tăng lên; lượng mưa biến động mạnh mẽ và có dấu hiệu tăng lên vào mùa mưa, giảm vào mùa ít mưa, hiện tượng mưa lớn gia tăng, hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn; hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới phức tạp hơn; hiện tượng El Nino xuất hiện thường xuyên hơn và có biến động mạnh. Các hệ thống ven biển đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố liên quan đến BĐKH với mức độ tin cậy cao, bao gồm mực nước biển, nhiệt độ và độ axit hóa đại dương. Trong bối cảnh BĐKH đang và sẽ tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp và tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực thì ngành thủy sản với đặc thù là dựa vào thiên nhiên và khai thác tài nguyên thiên nhiên, được dự báo là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ BĐKH và các hệ quả của BĐKH, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản (KTHS) và nuôi trồng hải sản (NTHS) trên biển.

Nhằm đánh giá và dự báo được tác động của biến đổi khí hậu đến nghề cá biển Việt Nam, làm cơ sở xây dựng các kịch bản phát triển bền vững nghề cá biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ThS. Trịnh Quang Tú và các cộng sự tại Viện Kinh tế và Quy hoạch phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến khai thác và nuôi trồng hải sản, phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam làm cơ sở xây dựng các kịch bản phát triển bền vững nghề cá biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành nội dung và sản phẩm được giao. Trên cơ sở mục tiêu và nội dung đặt ra, kết quả nghiên cứu của đề tài đã có những đóng góp có ý nghĩa trong việc bổ sung về mặt khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH và phát triển nghề cá bền vững cho Việt Nam. Cụ thể:

(1) Đã xác lập được luận cứ khoa học cho đánh giá tác động của BĐKH đến lĩnh vực nghề cá biển của Việt Nam, bao gồm kết hợp phương pháp tiếp cận đánh giá tình trạng dễ bị tồn thương (TTDBTT) và phương pháp hàm sản xuất trong lượng giá thiệt hại do tác động của BĐKH.

(2) Đã chỉ ra được kết quả đánh giá tác động của BĐKH đến lĩnh vực KTHS và NTHS của Việt Nam.

 (3) Kết quả xây dựng các kịch bản KTHS và NTHS theo kịch bản BĐKH phản ánh mức sản lượng KTH và NTHS có thể đạt được trong điều kiện biến đổi khí hậu trong tương lai. Có thể so sánh, đánh giá kết quả xây dựng các kịch bản để đưa ra kịch bản phát triển KTHS và NTHS, đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo bền vững về nguồn lợi. Đối với KTHS, sản lượng khai thác chỉ dao động ở mức 2,4 - 2,9 tiệu tấn. Đối với NTHS, kịch bản đưa ra là đến năm 2035 sản lượng nuôi đạt khoảng 2 - 2,5 triệu tấn và 3,5 - 4,0 triệu tấn vào năm 2050.

(4) Đề tài đã kết hợp tổng quan phân tích và điều tra khảo sát 120 trại nuôi cá biển tại 04 tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang để đề xuất các quy trình nuôi cá biển an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với quy mô vừa và nhỏ ở biển Việt Nam và quản lý môi trường và dịch bệnh thủy sản áp dụng cho trang trại cá biển Nam Trung Bộ và Nam bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu và an toàn sinh học có những điểm khác biệt và cải tiến hơn so với các quy trình nuôi truyền thống như hiện nay.

Đồng thời, đề tài cũng đã đề xuất nhóm giải pháp nhân rộng áp dụng các quy trình đã được đề xuất. Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu của đề tài cũng được tài liệu hóa dưới dạng bài báo khoa học, được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực BĐKH và phát triển nghề cá biển bền vững trong điều kiện BĐKH, góp phần bổ sung nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ quan, tổ chức và các nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu BĐKH và nghề cá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị như sau:

1) Các biến đầu vào liên quan đến BĐKH sử dụng trong mô hình vẫn còn chứa đựng yếu tố không chắc chắn. Do đó, cần thường xuyên cập nhật Kịch bản BĐKH vào mô hình ước lượng để có kết quả dự báo cập nhật mới nhất.

2) Biến nhiệt độ được sử dụng trong mô hình là biến nhiệt độ không khí trung bình và nhiệt độ bề mặt nước biển không phải là nhiệt độ môi trường nước trong các tầng nước biển cần xem xét thêm việc chạy mô hình tương quan này với số liệu quan trắc ở các tầng mặt nước biển khác nhau (tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy) trong các nghiên cứu tiếp theo.

3) Các số liệu về thời tiết rất rời rạc giữa các tỉnh/thành phố ven biển, có rất ít trạm Khí tượng Thủy văn trên biển, các quan trắc số liệu nhiệt độ, lượng mưa… chủ yếu trong đất liền và ven biển, chưa có số liệu thống kê chi tiết cho các vùng biển, nhất là các vùng biển hở ngoài khơi phục vụ nuôi biển trong thời gian tới vì vậy cần tiếp tục có các nghiên cứu tiếp theo với các quan trắc số liệu từ các vùng này.

4) Mô hình còn có hạn chế do chuỗi số liệu theo thời gian còn ngắn với 24 quan sát (từ năm 1997-2019). Các số liệu thống kê theo chuỗi thời gian liên quan đến các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, lao động… thiếu và không đảm bảo tính liên tục. Do đó, kiến nghị Tổng cục Thống kê cần bổ sung và cập nhật các số liệu thống kê này hàng năm làm cơ sở cho công tác dự báo, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sát xuất phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

6) Để giúp người nuôi trồng hải sản phát triển bền vững và hiệu quả trước tác động của BĐKH, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách bảo hiểm nông nghiệp giúp người nuôi trồng hải sản khắc phục sản xuất khi gặp thiên tai rủi ro từ BĐKH.

7) Kết quả của đề tài sau khi nghiệm thu, được chuyển giao và đưa vào dụng trong thực tiễn cho xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản. Đối với sản phẩm Quy trình nuôi cá lồng biển đảm bảo an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với quy mô vừa và nhỏ ở biển Việt Nam và Quy trình quản lý môi trường và bệnh thủy sản cho trang trại cá biển, cần đưa vào áp dụng và đánh giá tiếp để có được quy trình hoàn thiện cho việc nhân rộng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19148/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 1577
Tổng lượt truy cập: 3.262.101
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.