Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 21-06-2024

Nghiên cứu xác định các nguồn đóng góp chính đối với bụi PM10, PM2.5 ở đô thị miền Bắc Việt Nam - Thực nghiệm tại Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ

Tại Việt Nam, hầu hết các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và chủ yếu là ô nhiễm bụi. Số liệu quan trắc trong những năm qua cho thấy mức độ ô nhiễm bụi ở các đô thị vẫn ở ngưỡng cao và chưa có dấu hiệu giảm đi, đặc biệt là các đô thị ở khu vực miền Bắc. Phân tích sơ bộ số liệu quan trắc không khí tự động ở khu vực này cho thấy, bụi mịn (PM2,5) chiếm tỷ trọng tương đối cao trong thành phần bụi lơ lửng.

 

Ngoài ra, vấn đề môi trường có tính xuyên biên giới trong thời gian gần đây cũng đang đặt ra những thách thức mới. Nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường không khí ở các tỉnh miền Bắc sẽ gia tăng khi có gió mùa Đông Bắc tràn về. Việc đánh giá sự lan truyền của các chất sẽ dễ dàng nếu có đủ số liệu quan trắc liên tục trên đường đi của luồng không khí. Tuy nhiên, số lượng trạm quan trắc không khí tự động, liên tục ở Việt Nam quá ít, không đủ để theo dõi giả thiết này. Do đó, để đánh giá sự lan truyền ô nhiễm này cần thiết phải áp dụng các mô hình tính toán.

Với những lý do nêu trên, Đề tài “Nghiên cứu xác định các nguồn đóng góp chính đối với bụi PM10, PM2.5 ở đô thị miền Bắc Việt Nam - Thực nghiệm tại Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ” do ThS. Lê Hoàng Anh cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thực hiện nhằm mục tiêu xác định nguồn phát sinh và mức độ đóng góp đối với lượng bụi PM10, PM2.5 trong môi trường không khí khu vực đô thị miền Bắc; đề xuất các giải pháp giám sát và kiểm soát các nguồn thải tác động tới nồng độ bụi PM10, PM2.5 trong môi trường không khí xung quanh.

Tình hình thực tế cũng cho thấy, ô nhiễm môi trường không khí đã và đang tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu. Báo cáo Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2017 đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây tử vong và tàn tật, trong đó ô nhiễm môi trường không khí đứng thứ 5, tăng 2 bậc so với năm 2007. Đã có nhiều nghiên cứu xung quanh bụi PM cũng như những tác động xấu của ô nhiễm bụi PM. Việc phơi nhiễm với hàm lượng các hạt rắn cao trong không khí, đặc biệt các hạt bụi mịn PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí, bao gồm nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp dưới, đột quỵ, đau tim, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi. Đối với nhóm tuổi từ 65 trở lên, gánh nặng bệnh tật do bụi mịn là bệnh nhồi máu cơ tim, và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong khi đó, bụi mịn là nguyên nhân gây nên các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp dưới với nhóm độ tuổi dưới 1 và 5 tuổi.

Tại Việt Nam, hầu hết các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và ô nhiễm chủ yếu tập trung là ô nhiễm bụi. Số liệu quan trắc trong những năm qua cho thấy mức độ ô nhiễm bụi ở các đô thị vẫn ở ngưỡng cao và chưa có dấu hiệu giảm đi, đặc biệt là các đô thị ở khu vực miền Bắc. Qua phân tích sơ bộ số liệu quan trắc không khí tự động ở khu vực miền Bắc, trong thành phần bụi lơ lửng thì bụi mịn (PM2,5) chiếm tỷ trọng tương đối cao.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc được phê duyệt với các sản phẩm đầy đủ cả về mặt số lượng, khối lượng, đạt yêu cầu về chất lượng. Thậm chí, một số nội dung còn hoàn thành vượt mức yêu cầu: xuất bản 6 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành (so với yêu cầu 2 bài báo); đào tạo 2 thạc sỹ (so với yêu cầu 1 thạc sỹ).

Phân tích diễn biến nồng độ bụi PM10, PM2.5 dựa trên bộ số liệu từ các trạm quan trắc tự động liên tục cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2019, giá trị PM10, PM2.5 trung bình năm tại các khu vực nghiên cứu đều vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (Tp. Hà Nội có mức ô nhiễm cao nhất, tiếp đến là Tp. Việt Trì rồi đến Tp. Hạ Long); theo diễn biến các năm, giá trị của PM10, PM2.5 có xu hướng giảm từ 2015 - 2017 nhưng lại tăng từ 2018 - 2019.

Đánh giá tương quan với các yếu tố khí tượng cho thấy, nồng độ bụi PM10, PM2.5 và các chất khí tại các khu vực nghiên cứu đều có quy luật diễn biến mùa (cao về mùa đông, thấp hơn vào mùa hè). Theo diễn biến trong ngày, giá trị PM10, PM2.5 cao vào các khung giờ cao điểm giao thông (07-09h và 17-19h). Một số thời điểm, giá trị PM10, PM2.5 cao bất thường vào đêm và sáng sớm do điều kiện thời tiết bất thường và tác động bởi hiện tượng nghịch nhiệt.

Đánh giá mối tương quan giữa thông số bụi (PM10, PM2.5) với các thông số NO2, CO, SO2 (sử dụng hệ số tương quan) cho thấy, tại 3 khu vực hệ số tương quan giữa bụi PM và các thông số đều ở mức trung bình nên sơ bộ xác định, nguồn đóng góp bụi ngoài từ hoạt động giao thông, còn từ hoạt động công nghiệp và một số nguồn khác. Tuy nhiên, Quảng Ninh và Phú Thọ, hệ số tương quan giữa bụi PM và các NO2, CO cao hơn Hà Nội.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19978/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 120
Hôm nay: 3424
Tổng lượt truy cập: 3.269.676
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.