Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 01-04-2024

Nghiên cứu sử dụng tế bào miễn dịch tự thân gamma delta T (γδT) và diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi

Ung thư phổi (UTP) là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên thế giới. Theo ghi nhận của Globocan năm 2020, số ca mới mắc ung thư phổi trên toàn thế giới là 2,2 triệu ca, chiếm 11,4% tổng số ca mắc do ung thư; số ca tử vong do UTP là 1,8 triệu ca, chiếm 8,0% tổng số ca tử vong do ung thư. Tại Hoa Kỳ, nước có hệ thống y tế hiện đại và phát triển, theo ACS thống kê năm 2020 có có 228.820 ca mắc mới, chiếm 13% tổng số ca mắc do ung thư; 135.720 ca tử vong; tỷ lệ sống thêm 5 năm từ 2008-2014 còn thấp, 19%.

Tại Việt Nam, theo Globocan năm 2020, tỷ lệ mắc mới UTP xếp thứ hai đối với nam giới (chiếm 18,9%, sau ung thư gan) và xếp thứ hai đối với nữ giới (chiếm 9,1%, sau ung thư vú), có 26262 ca mắc mới UTP và 23797 người tử vong vì căn bệnh này. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, hóa xạ trị, việc phát triển phương pháp điều trị mới cũng như phối hợp các phương pháp với nhau để tăng thời gian sống thêm không bệnh và sống toàn thể, đồng thời nâng cao chất lượng sống với bệnh nhân ung thư phổi là điều hết sức có ý nghĩa. Hiện nay trên thế giới, liệu pháp tế bào miễn dịch tự thân được phát triển để điều trị nhiều loại ung thư đã cho những kết quả ban đầu hứa hẹn. Báo cáo thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ vào tháng 2/2016 đã bình chọn liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư, trong đó có liệu pháp tế bào miễn dịch tự thân là sự kiện mang tính chất đột phá của năm và sẽ trở thành một trong những phương pháp điều trị ung thư chính trong tương lai. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, hệ thống miễn dịch của cơ thể con người với những hoạt động kiểm soát hết sức chặt chẽ và tinh vi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống lại sự hình thành và tiến triển của ung thư. Liệu pháp điều trị tự thân, bằng chính các tế bào miễn dịch lấy ra từ cơ thể người bệnh, được chứng minh là có tác dụng gần với quá trình sinh lý, có độ an toàn cao và tránh được hiện tượng thải loại của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi kết hợp với các phương pháp điều trị UTP khác như hoá trị, điều trị đích và sử dụng kháng thể đơn dòng, liệu pháp này đã cho những kết quả rất tích cực. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền Y học hiện đại thì việc triển khai liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch tự thân như tế bào gamma delta T (gdT) và tế bào diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi là bước quan trọng kế tiếp để mở ra triển vọng được cung cấp những liệu pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân ung thư phổi Việt Nam. Chính vì vậy, PGS. TS. Trần Huy Thịnh cùng các cộng sự tại Trường Đại học Y Hà Nội - Bộ Y tế đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng tế bào miễn dịch tự thân gamma delta T (γδT) và diệt tự nhiên (NK) trong điều trị ung thư phổi” với mục tiêu xây dựng quy trình phân lập, bảo quản các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK; đánh giá tác dụng kháng tế bào ung thư phổi người của tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK trên thực nghiệm và trong điều trị ung thư phổi.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

Đề tài nghiên cứu đã chuẩn hoá thành công quy trình phân lập, nuôi cấy hoạt hoá tăng sinh các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK. Các dòng tế bào miễn dịch tự thân thu được sau nuôi cấy hoạt hoá, tăng sinh đạt tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng cũng như mang đầy đủ đặc điểm và chức năng của tế bào miễn dịch γδT và NK. Cụ thể, số lượng tế bào γδT thu được sau nuôi cấy đạt 3,7 x 108, tỷ lệ sống trên 90% cùng tỷ lệ tế bào γδT đạt 81,7% trong quần thể tế bào. Tương tự số lượng tế bào NK thu được sau nuôi cấy đạt 2,1 x 108, tỷ lệ sống 89% cùng tỷ lệ tế bào NK đạt 83% trong quần thể tế bào.

Đề tài đã tiến hành đánh giá tác dụng kháng tế bào ung thư phổi người của tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK trên mô hình chuột thực nghiệm. Kết quả cho thấy các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK có tác dụng trong việc ức chế sự phát triển của khối u, kéo dài thời gian sống của chuột thí nghiệm thêm 33%, cũng như nâng cao chất lượng hệ miễn dịch, đồng thời không gây các tác dụng có hại trên các lô chuột thí nghiệm thể hiện qua trọng lượng chuột thí nghiệm không thay đổi so với lô đối chứng.

Nghiên cứu đã bước đầu điều trị thử nghiệm các dòng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK trong điều trị ung thư ở các bệnh nhân ung thư phổi. Kết quả theo dõi bước đầu cho thấy hầu hết các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị. Đối với cả hai liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch tự thân γδT và NK điều trị bệnh nhân ung thư phổi, tỷ lệ bệnh nhân có bệnh ổn định đều đạt 80% và đáp ứng một phần với liệu pháp đạt 20%. Không phát hiện những biến chứng hay tác dụng phụ nghiêm trọng ở toàn bộ bệnh nhân ung thư phổi tham gia vào thử nghiệm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19795/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 3460
Tổng lượt truy cập: 2.908.988
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.