Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 03-07-2024

Nghiên cứu đề xuất mô hình tổng hợp quản trị tài nguyên đất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông sản hàng hóa cây công nghiệp vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp hàng hoá lớn thứ hai của cả nước với các sản phẩm đặc biệt như cà phê chiếm 90,2%, tiêu 59%, cao su 18%, chè 22,8%; điều 22,2% sản lượng của cả nước. Sản lượng lúa và ngô đảm bảo an ninh lương thực cho vùng, sản phẩm hoa và rau cao cấp đứng đầu cả nước về chất lượng. Các thành tựu trong nông nghiệp được đánh giá cao và là nhân tố quyết định đến sự ổn định về chính trị, xã hội của vùng trong suốt hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của Tây Nguyên đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ do diện tích rừng bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng chỉ còn 45,5%; áp lực gia tăng dân số nhanh nhất cả nước do dân số tăng tự nhiên và tăng cơ học; đất sử dụng cho nông nghiệp đã tới "giới hạn" khó có thể mở rộng thêm diện tích nếu không phá rừng; diện tích các loại cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, tiêu, cao su, điều phần lớn đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần phải tái canh lại và do tác động của biến đổi khí hậu và tác động của con người lên đất nông nghiệp quá mức, lũ lụt, ngập úng, khô hạn diễn ra với cường độ và tần suất ngày càng tăng.

 

Để phát huy được lợi thế về tài nguyên đất của Tây Nguyên cho phát triển nông nghiệp bền vững trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế cần thiết phải tìm ra một mô hình quản trị tổng hợp tài nguyên đất phù hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông sản hàng hóa cây công nghiệp ở vùng Tây Nguyên. Chính vì vậy, TS. Bùi Thị Ngọc Dung cùng các cộng sự tại Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất mô hình tổng hợp quản trị tài nguyên đất nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông sản hàng hóa cây công nghiệp vùng Tây Nguyên” nhằm đánh giá được tiềm năng, thực trạng quản trị tài nguyên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất cây lương thực, nông sản và cây công nghiệp hàng hóa; nghiên cứu ứng dụng mô hình quản trị tổng hợp tài nguyên đất cho 2 mô hình sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp hàng hóa là cà phê và lúa. Đề xuất được các giải pháp quản trị tổng hợp tài nguyên đất nông nghiệp bền vững cho vùng Tây Nguyên.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:

1. Đề tài đã tổng hợp được khái niệm, 03 vấn đề; 05 đối tượng, 09 nội dung, 09 nguyên tắc và 07 phương pháp để quản trị tài nguyên đất nông nghiệp. Mô hình Quảng trị đất đai (QTĐĐ) đã được FAO và Word Bank xây dựng thành khung hướng dẫn. Hiện trên thế giới đã có 35 nước áp dụng mô hình quản trị tài nguyên đất nói chung và tài nguyên đất nông nghiệp nói riêng. Việt Nam đã áp dụng mô hình QTĐĐ ở quy mô cấp quốc gia và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đề xuất việc điều chỉnh pháp luật về đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

2. Tài nguyên đất vùng Tây Nguyên là có 5.370,3 nghìn ha, chiếm 98,22% diện tích tự nhiên, gồm 11 nhóm, 29 loại đất. Trong đó, diện tích đất hiện canh tác 8 cây công nghiệp hàng hóa và cây lương thực chính là 1.561,2 nghìn ha, chiếm 29,1% diện tích đất của vùng. Quỹ đất thuận lợi nhất để bố trí đất sản xuất các cây công nghiệp hàng hóa và cây lương thực vùng Tây Nguyên khoảng 2.374,7 ngàn ha, chiếm 43,6% diện tích tự nhiên. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá khả năng thích hợp của đất đai cho các cây trồng chính đã đề xuất được diện tích tối đa có thể bố trí để canh tác 8 cây công nghiệp hàng hóa và cây lương thực chính ở Tây Nguyên đến năm 2030 như sau: đất lúa 195 nghìn ha; ngô 179 nghìn ha, sắn 152 nghìn ha, cà phê 560 nghìn ha, cao su 234 nghìn ha, hồ tiêu 56 nghìn ha, điều 85 nghìn ha, chè 20 nghìn ha; khai thác khoảng 103,8 nghìn ha đất chưa sử dụng cho nông nghiệp và mục đích khác.

3. Mô hình hình tổng hợp quản trị tài nguyên đất nông nghiệp vùng Tây Nguyên là sự kết hợp giữa quản lý hành chính về đất sản xuất nông nghiệp với sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm đưa ra các quyết định liên quan đến quyền sử dụng và cách sử dụng đất, sao cho trung hoà lợi ích và cách thức giải quyết những mâu thuẫn về lợi lích liên quan đến đất đai. Mô hình được xây dựng gồm 3 cấp: tỉnh, huyện, xã với 5 nhóm cơ sở dữ liệu: Phân hệ quản lý hệ thống; Phân hệ quản lý vùng trồng; Phân hệ quản lý sản xuất; Phân hệ quản lý về các chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc và Phân hệ nhật ký nông hộ điện tử.

Mô hình này kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia qua tầng xử lý trung gian. Các thông tin về địa chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chất lượng đất và thống kê, kiểm kê đất đai sẽ được quản lý và chia sẻ với hệ thống ứng dụng quản lý sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hệ thống sẽ được chia sẻ thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

4. Đã xây dựng được 02 mô hình tổng hợp quản trị bền vững đất sản xuất lúa tại Giai Lai cho lợi nhuận cao hơn khoảng 14,96 triệu đồng/ha/năm (tương đương 18,9%/ha/năm) và mô hình tổng hợp quản trị sản xuất cà phê cho lợi nhận cao hơn khoảng 19,29 triệu đồng/ha/năm (tương đương 16,1%/ ha/năm) so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, việc áp dụng giải pháp tổng hợp đã góp phần cải thiện độ phì của đất. Thông tin của mô hình lúa và cà phê được đưa lên internet, việc tra cứu thông tin được thực hiện bằng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

5. Các giải pháp để phát triển bền vững các cây công nghiệp và cây lương thực chủ lực ở Tây Nguyên tập trung vào 6 giải pháp lớn như sau: Giải pháp tuyên truyền thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai trong nông nghiệp; Giải pháp về ổn định dân di cư tự do và chống tranh chấp đất đai; Giải pháp tổ chức thực hiện Luật đất đai năm 2013; Giải pháp xây dựng các liên kết trong quản lý sử dụng đất nông nghiệp; Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và Giải pháp về chính sách, pháp luật quản lý đất đai ở Tây Nguyên.

6. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) 4 cấp: vùng, 5 tỉnh và 02 xã xây dựng mô hình gồm 2 phần chính: CSDL bản đồ số và CSDL phi không gian với hệ thống bảng biểu về đất và sử dụng đất. CSDL gồm 4 chức năng: Lưu trữ; Cập nhật thông tin; Phân tích, tổng hợp; và Chia sẻ thông tin. CSDL bản đồ số có: 4 nhóm, 4 lớp chuyên đề (địa hình, đất, HTSD đất nông nghiệp 2019, đề xuất tiềm năng đất đai cho phát triển cà phê, hồ tiêu, điều, chè, lúa nước, ngô và sắn và bản đồ HTSD đất của 02 mô hình) với 41 bản đồ. CSDL phi không gian có 6 nhóm 36 thông tin với 34 bảng số liệu.

Từ kết quả thu được, đề tài kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng để triển khai mô hình tổng hợp quản trị đất nông nghiệp bền vững trên địa bàn Tây Nguyên ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã để hoàn thiện công nghệ gips phần phát triển bền vững cây công nghiệp và lương thực. Cần tách riêng hai loại đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, không nên để đất nông nghiệp bao gồm đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp vì hai loại đất này do một bộ phận quản lý song rất khác nhau về đầu tư, quy trình sản xuất, qui mô đất đai của các hộ nông dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù để giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai có nguồn gốc nông lâm trường phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và lịch sử nguồn gốc đất đai của giai đoạn trước đây cho các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Kết quả đề tài đã cung cấp thông tin về cơ sở lý luận và thực tiễn trong quản trị tài nguyên đất nông nghiệp bền vững. Bổ sung kiến thức, kinh nghiệm về đánh giá và đề xuất tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Mô hình tổng hợp quản trị tài nguyên đất nông nghiệp bền vững cho phép truy xuất dữ liệu nguồn gốc nông sản đến từng hộ sản xuất, từng vùng trồng. Việc tổ chức sản xuất gắn với tiềm năng đất đai và áp dụng kết quả các mô hình tiên tiến đảm bảo phát huy các lợi thế của vùng, góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19862/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 120
Hôm nay: 4435
Tổng lượt truy cập: 3.270.687
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.