Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 01-07-2024

Ứng dụng AI trong doanh nghiệp: Chú trọng xây dựng dữ liệu

Ngày 28/6, tại TPHCM, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) đã phối hợp với Liên minh Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam (VNITO) tổ chức hội thảo “Giải pháp AI cho doanh nghiệp”.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh - Công ty Cổ phần MISA, cho biết, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2023, Việt Nam có gần 900 ngàn doanh nghiệp, 97% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp này vẫn đang sử dụng lưu trữ dữ liệu thủ công bằng file, sheet, excel… nên dễ thất thoát, khó hoặc mất thời gian tra cứu. Bên cạnh đó, các hệ thống lập kế hoạch nguồn lực, quản trị tổng thể doanh nghiệp ERP có đầy đủ chức năng, nhưng chi phí rất cao và chỉ phù hợp với những doanh nghệp lớn. Các giải pháp riêng lẻ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp lại không theo suốt được quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo, Tập đoàn Công nghệ TMA, cho biết, theo báo cáo của McKinsey & Company năm 2024, 72% trong số 1.363 doanh nghiệp được khảo sát trên thế giới, có ứng dụng AI. Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, cũng như chưa đủ tiềm lực (nhân lực, vốn) để áp dụng AI. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có xu hướng chỉ chuyển đổi AI nếu chịu áp lực lớn từ đối thủ cạnh tranh. Điều đó khiến doanh nghiệp khó tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng AI. Ảnh: KA

Theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp cần xác định nên triển khai ứng dụng AI nào trước dựa trên ba tiêu chí, đó là khả năng giải quyết bài toán kinh doanh; sự sẵn sàng của hạ tầng và dữ liệu; sự phù hợp về chi phí. Cụ thể, nếu doanh nghiệp chỉ đặt mục đích kiểm soát ra vào, phân tích khách hàng, đảm bảo an toàn an ninh thì có thể ứng dụng Smart/AI camera. Còn trong trường hợp cần hỗ trợ marketing, viết tài liệu, thiết kế, dịch vụ khách hàng,… thì cần ứng dụng GenAI (AI tạo sinh).

‘Để ứng dụng AI thành công, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến chiến lược dữ liệu. Xây dựng và quản lý dữ liệu hiệu quả là nền tảng then chốt, đảm bảo cho các mô hình AI hoạt động hiệu quả và mang lại giá trị lâu dài”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

giải pháp AI. Ảnh: KA

Ông Hoàng Quang Hải, chuyên gia đào tạo – đánh giá Hệ thống Quản lý, Công ty DNV Business Assurance Việt Nam, thì đề xuất, để thành công trong việc áp dụng AI, các doanh nghiệp cần đầu tư không chỉ vào công nghệ mà còn cả vào việc xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 42001 hay các khung quản trị AI đã được nghiên cứu. Điều này vừa giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, dễ dàng trong việc từng bước phát triển, ứng dụng AI, vừa bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro liên quan đến việc sử dụng hay phát triển AI - theo ông Hải.

Bên cạnh các ý kiến nêu trên, còn nhiều phát biểu khác chia sẻ kinh nghiệm và quy trình áp dụng AI trong doanh nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, khu triển lãm đã trưng bày và giới thiệu gần 100 giải pháp AI do các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và phát triển ở các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo tạo sinh; smart camera; công nghệ nhận diện ứng dụng quang học - xử lý ngôn ngữ tự nhiên; phân tích dữ liệu và dự đoán; tự động hóa quy trình và kiểm tra; phần mềm ứng dụng trong giáo dục đào tạo, kế toán, quản trị nhân sự;…

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 46
Hôm nay: 722
Tổng lượt truy cập: 3.266.975
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.